Thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO tôn vinh là Di sản Văn hóa của nhân loại vào ngày 27/6/2011 tại kỳ họp thứ 35 tổ chức tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp).
Cổng phia Bắc Thành Nhà Hồ
Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397. Còn gọi là thành Tây Đô hoặc Tây Kinh (kinh đô phía Tây Đại Việt), thành An Tôn (thành ở khu vực động An Tôn thời Trần), thành Tây Giai (ở phía Tây thuộc địa phận thôn Tây Giai), Thạch Thành (tòa thành xây dựng bằng đá), Thành Nội (vòng thành quan trọng bên trong La Thành) thuộc địa phận hai xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo Đại việt sử ký toàn thư, thành được xây dựng trong thời gian rất ngắn (3 tháng).
Khu Di sản Thành Nhà Hồ là kinh đô của hai triều đại. Từ năm 1398 đến 1400, là trung tâm kinh đô của vương triều Trần. Từ năm 1400 đến năm 1407 Tây Đô là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước Đại Ngu – vương triều Hồ.
Đoạn tường thành còn nguyên vẹn
Di sản bao gồm vùng lõi rộng 155,5 ha. Bao gồm: Thành Nội 142,2 ha; La Thành 9,0 ha; và di tích Đàn tế Nam Giao 4,3 ha); nằm trong vùng đệm với diện tích 5.078,5 ha. Di sản nằm giữa một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Cổng phía Nam Thành Nhà Hồ
Thành Nội được xây dựng bằng những khối đá lớn nặng hàng chục tấn. Là biểu hiện cho sự phát triển mới về kỹ thuật, kiến trúc và quy hoạch của Đông Á và Đông Nam Á. Là chứng tích độc đáo cho một thời kỳ quan trọng trong lịch sử Việt nam và Đông Nam Á khi mà các giá trị vương quyền và Phật giáo truyền thống nhường bước cho những khuynh hướng mới về kỹ thuật, thương mại và hành chính tâp trung.
La Thành là bộ phận thứ 2 của di sản Thành Nhà Hồ. Đây là vòng thành ngoài bảo vệ toàn bộ kiến trúc và cư dân trong kinh thành; được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào tháng 9 năm 1399; dài khoảng 10km. La thành được xây dựng dựa trên địa hình tự nhiên. Nhà Hồ chỉ gia cố thêm một số đoạn, đắp đất, trồng tre, nối liền những dãy núi sẵn có. La thành cách Hoàng thành khoảng 2 – 3 km về các hướng.
Di tích Đàn tế Nam Giao là bộ phận thứ 3 trong vùng đề cử Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ. Di tích còn tương đối nguyên vẹn, cổ nhất trong lịch sử Đàn tế Nam Giao Việt nam. Đó cũng là công tình kiến trúc vừa có đặc điểm chung của Đàn tế Nam Giao phương Đông; vừa có những nét đặc sắc riêng có của Việt Nam. Di tích khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc mạnh mẽ của vương triều Hồ cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV.
Với những giá trị nổi bật toàn cầu của mình, ngày 27/6/2011 Thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO tôn vinh là Di sản Văn hóa của nhận loại tại kỳ họp thứ 35 tổ chức tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp).
Phòng trưng bày hiện vật
Hơn 6 thế kỷ đã qua, di sản Thành Nhà Hồ trường tồn như một chứng tích bất diệt cho một thời kỳ lịch sử sôi động và bi hùng của Đại Việt với những bài học lịch sử nhân văn vô cùng sâu sắc. Bao bí ẩn của một nền văn minh vẫn còn đang được lưu giữ dưới lòng đất mà các nghiên cứu bước đầu hé mở khả năng tìm lại một quy hoạch hoàn chỉnh cấu trúc của một đô thị cổ điển hình ở Việt nam và Đông Nam Á. Đặc biệt quý hơn khi mà cảnh quan, môi trường quanh khu di sản trải qua mấy trăm năm vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn.
Cùng đó, quanh Thành Nhà Hồ còn có hàng loạt các di tích kiến trúc cổ truyền liên quan đến lịch sử kinh thành và vùng đất Vĩnh Lộc cổ xưa. Đó là công trường khai thác đá cổ An Tôn; đền thờ nàng Bình Khương; đền thờ Đại tướng quân Trần Khát Chân; khu di tích động Hồ Công; chùa Du Anh; chùa Tường Vân; các ngôi đình làng và các kiến trúc gỗ dân gian có giá trị cao về lịch sử, nghệ thuật. Tất cả tạo nên một quần thể di tích phong phú, quý hiếm ở Việt nam góp phần tôn thêm các giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của Di sản Thành Nhà Hồ.